Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc song phương với Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản từ 5-9/7 của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, ngày 6/7, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty NTT East tại trụ sở Tập đoàn NTT, Tokyo, Nhật Bản.

Theo đó, VNPT và NTT East sẽ hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ giá trị gia tăng, kinh doanh hạ tầng mạng và các dịch vụ ICT. Hai bên sẽ thiết lập các nhóm làm việc để xây dựng lộ trình cụ thể, mô hình kinh doanh chung, trách nhiệm của mỗi bên… để triển khai những nội dung đã ký kết.


Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long và Phó Tổng Giám đốc NTT East, Chủ tịch NTT Vietnam Hiroshi Nakagawa ký Biên bản ghi nhớ trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Bắc Son và Chủ tịch Tập đoàn NTT Satoshi Miura

NTT East là một công ty con kinh doanh trong lĩnh vực thông tin nội hạt của Tập đoàn NTT (Nippon Telegraph and Telephone Corporation) Nhật Bản. Từ năm 1997, VNPT đã có Hợp đồng Hợp tác kinh doanh với NTT East để phát triển và khai thác mạng viễn thông nội hạt khu vực phía Bắc Tp. Hà Nội. Đến nay dự án đã kết thúc, tuy nhiên hai bên đều đã tích cực xây dựng các nhóm làm việc chung để nghiên cứu những lĩnh vực hợp tác mới.

Ngoài lễ ký kết trên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phạm Đức Long đã tham gia các buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son với Chủ tịch các Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản như NTT, NEC, Fujitsu, Nissho Electronics, Sojitz. Đây đều là các Tập đoàn lớn, đã có mặt tại Việt Nam từ rất lâu và đều có quan hệ hợp tác chặt chẽ với VNPT trong các lĩnh vực phát triển mạng lưới, thương mại điện tử… và VNPT mong muốn tiếp tục hợp tác với các Tập đoàn trong các lĩnh mới như tối ưu mạng lưới, các dịch vụ nội dung cho truyền hình, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Trong thời gian thăm và làm việc tại Nhật Bản, đoàn công tác của VNPT cũng thăm và làm việc với các đối tác tại Nhật Bản như NTT Data và NTT Plala nhằm trao đổi, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin và giá trị gia tăng.

Những năm gần đây, VNPT và NTT luôn có những hợp tác chặt chẽ và sâu rộng.

Ngày 1/12/2014, lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh giữa VNPT, NTT Việt Nam (NTTV) và NTT Data Việt Nam đã diễn ra long trọng tại trụ sở của Tập đoàn VNPT.

Lễ ký kết này nhằm đặt “nền móng” cho sự hợp tác mới giữa VNPT và NTTV, NTT Data Việt Nam nói riêng cũng như Tập đoàn NTT nói chung trong lĩnh vực phát triển và cung cấp các sản phẩm CNTT và dịch vụ giá trị gia tăng cho các khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đây là một trong những mục tiêu kinh doanh chính mà Tập đoàn VNPT mong muốn tập trung tăng cường và phát triển trong thời gian tới nhằm đáp ứng việc cung cấp các dịch vụ tích hợp giữa viễn thông, CNTT và dịch vụ giá trị gia tăng cho các khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam, cung ứng kịp thời, đầy đủ và chất lượng tốt cho các nhu cầu của các cơ quan nhà nước nhằm phát triển theo hướng chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Với mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa VNPT và Tập đoàn NTT, phía VNPT đánh giá cao thiện chí hợp tác của các bên và tin tưởng rằng với nỗ lực chung của VNPT, NTTV và NTT Data Việt Nam, dự án hợp tác kinh doanh sẽ đem lại hiệu quả tốt đẹp, lợi ích và thành công trong hoạt động kinh doanh của Tập đoàn VNPT và của Công ty thuộc Tập đoàn NTT.

Biên bản ghi nhớ này sẽ là bước khởi đầu cho cả VNPT cũng như Tập đoàn NTT, không chỉ 1 công ty mà các công ty trong Tập đoàn NTT. NTT Việt Nam sẽ là cầu nối quan trọng giữa VNPT với tất cả các công ty trong Tập đoàn NTT, ông Hiroshi Nakagawa, Tổng Giám đốc Công ty NTT Việt Nam cho biết tại thời điểm ký kết.

Năm 2012, Bộ Thông tin- Truyền thông đã cấp giấy phép cho Công ty Dịch vụ Dữ liệu Toàn cầu (GDS), cho phép công ty cung cáp các dịch vụ viễn thông nội địa và quốc tế. GDS là liên doanh giữa Tập đoàn VNPT và Công ty Nhật Bản, NTT Communications. Công ty chuyên về cung cấp các trung tâm dữ liệu và dịch vụ công nghệ viễn thông và thông tin khác tại Việt Nam, trong đó có mạng dữ liệu nội địa, kết nối trực tiếp với trạm trung chuyển Internet quốc gia, kết nối quốc tế thông qua IP-VPN quốc tế, truy cập Internet, video và hội nghị từ xa.

Theo Thảo Hoàng (VnMedia)