Những triệu phú màu áo xanh
30/03/2013Sinh ra và lớn lên tại huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội II, chuyên nghành Ngữ văn, cô giáo trẻ Phan Thị Luyến lại có duyên với mảnh đất Vĩnh Phúc. Ban đầu khi lập gia đình, chị Luyến là giáo viên hợp đồng với đồng lương ít ỏi, còn anh cũng chỉ là công nhân nên thu nhập của vợ chồng rất eo hẹp. Khi có thêm đứa con, cuộc sống của gia đình chị ngày càng khó khăn. Chị cùng chồng quyết tâm không thể để các con phải khổ. Nghĩ là làm, vợ chồng anh chị chắt chiu từng đồng tiền kiếm được mở một cửa hàng nhỏ bán sản phẩm gạch ngói của Công ty Vigalacera Bá Hiến rồi dần nâng lên thành đại lý. Hàng ngày, ngoài công việc ở trường, về nhà, chị Luyến vừa đảm bảo gieo cấy 4 sào ruộng lúa nước 2 vụ, vừa tranh thủ đi tìm kiếm thị trường và quản lý công việc kinh doanh của đại lý. Một thời gian sau, nhờ năng động trong kinh doanh, lăn lộn tìm kiếm thị trường cùng với số vốn vay mượn, đến nay, vợ chồng chị Luyến đã có trong tay gần 20 đại lý hoạt động hiệu quả ở khắp nơi. Riêng 2 đại lý do chị Luyến làm chủ đặt ở xã Trung Mỹ và Bá Hiến đã tạo việc làm cho 9 lao động địa phương với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trừ chi phí, chị thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Từ những nguồn thu chính đáng, chị Luyến đã làm được căn nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt của gia đình và tạo điều kiện tốt nhất để nuôi dạy các con.
Ngoài công việc dạy học, làm kinh tế giỏi, chị Luyến còn là Bí thư Đoàn thanh niên thôn Vinh Tiến, một thôn có 100% đồng bào Công giáo. Nhờ năng động, nhiệt tình, Đoàn thanh niên thôn Vinh Tiến đạt được nhiều thành tích.
Cũng như chị Luyến, anh Nguyễn Huy Thủy sinh năm 1983 ở thôn Độc Lập, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) nhờ bàn tay khéo léo của mình đã biến gỗ thành tiền và cũng trở thành triệu phú ở tuổi Đoàn. Anh Thủy sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc ở Thanh Lãng, bố anh từng được công nhận là một nghệ nhân giỏi cấp tỉnh. Gia đình anh trước kia chuyên làm đồ thờ lại ở quy mô nhỏ nên thu nhập cũng không cao. Năm 2010, tiếp quản xưởng của gia đình, anh Thủy vay mượn thêm tiền mở rộng quy mô cũng như thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa trên cơ sở xưởng cũ của gia đình. Ngoài những sản phẩm đồ thờ truyền thống, anh Thủy sản xuất đa dạng các mặt hàng từ bàn, ghế, tủ bếp, tủ đựng đến sập gụ, hoành phi, câu đối với nhiều mẫu mã phong phú. Đặc biệt, các sản phẩm như sập gụ, tủ, bàn ghế đã được anh Thủy kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với những yếu tố hiện đại khắc họa đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động, tinh tế. Bằng bàn tay khéo léo của mình, anh Thủy đã đoạt giải ba cuộc thi người thợ trẻ giỏi tổ chức lần đầu tiên ở địa phương năm 2008. Sản phẩm mộc của cơ sở anh ngày càng được nhiều khách hàng khó tính ở khắp nơi ưa chuộng. Mỗi năm, trừ chi phí anh thu nhập hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương. Tuy bận rộn với công việc nhưng anh Thủy vẫn hăng hái tham gia các hoạt động Đoàn của địa phương và là một đoàn viên ưu tú vừa được cử đi học đối tượng Đảng.
Với sức trẻ và ý chí tiến thủ của mình, toàn tỉnh có hàng nghìn đoàn viên thanh niên đã làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, muốn tự khẳng định mình bằng cách lập nghiệp thành công ngay tại quê hương thì không phải ai cũng đủ tự tin cũng như tiềm lực để làm được. Đa số các bạn trẻ khi muốn bắt đầu phát triển kinh tế thì đều gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, những năm qua, các cấp bộ Đoàn đã tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên vay vốn để phát triển kinh tế. Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn thường xuyên tuyên dương những đoàn viên thanh niên làm kinh tế giỏi, giúp các bạn có động lực cũng như góp phần nhân rộng nhiều triệu phú áo xanh trên quê hương Vĩnh Phúc.
Bài, ảnh Bình Duyên