Ngay khi có các văn bản hướng dẫn của TW và của tỉnh về lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, UBND huyện đã thành lập BCĐ, tổ giúp việc từ huyện đến các xã, thị trấn; ban hành các văn bản hướng dẫn phương thức, cách thức tiến hành lấy ý kiến nhân dân. Với đặc thù là một huyện thuần nông, nhân dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, trình độ dân trí không đồng đều, để đảm bảo các tầng lớp nhân dân có điều kiện tiếp cận thông tin, hiểu rõ tầm quan trọng của việc góp ý sửa đổi, bên cạnh hơn 2.000 bản dự thảo được sao gửi theo từng cấp, từng ngành từ huyện đến cơ sở, Ban chỉ đạo huyện đã chỉ đạo mở chuyên mục "Góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992 " trên Cổng thông tin điện tử huyện và thường xuyên phát trên hệ thống truyền thanh của Đài PT-TH huyện, xã, thôn, xóm, khu dân cư nhằm tuyên truyền về các văn bản triển khai lãnh đạo, chỉ đạo của TW, của tỉnh, của huyện, quy trình tổ chức lấy ý kiến và các nội dung góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992; đồng thời, tích cực hướng dẫn nhân dân truy cập thông tin trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng đã đưa nội dung này vào sinh hoạt của Đảng bộ, chi bộ để quán triệt trong toàn thể cán bộ, Đảng viên về mục đích, quan điểm định hướng trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Đến cuối tháng 3/2013 đã có 13/13 xã, thị trấn hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân vào sử đổi Dự thảo.
Hầu hết các ý kiến góp ý đều thể hiện tinh thần xây dựng, khẳng định chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đúng đắn, cần thiết và hợp lòng dân, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, hợp xu thế thời đại. Đã có nhiều ý kiến thực sự tâm huyết, thể hiện tầm nhìn, trách nhiệm đối với những vấn đề trọng đại của đất nước, con người như vấn đề: chế độ chính trị, chủ quyền Quốc gia, quyền con người, quyền công dân, tổ chức Nhà nước, chính sách phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ...Trong hơn 4 nghìn ý kiến tham gia góp ý, có 2.781 ý kiến tán thành với Dự thảo. Một số ý kiến khác cho rằng, mặc dù bản dự thảo đã thể hiện được kỹ thuật lập hiến cao, tuy nhiên, về mặt ngôn ngữ vẫn còn một số câu, từ chưa trong sáng, chưa thoát ý; cách diễn đạt đôi khi còn lặp; còn dùng từ phiếm định, đa nghĩa, đồng nghĩa; cùng một vấn đề nhưng dùng từ không thống nhất trong toàn văn bản (VD: theo pháp luật quy định, theo luật định, theo quy định của pháp luật…; nơi ở, chỗ ở…). Nhiều ý kiến cho rằng lời nói đầu cần diễn đạt gắn gọn, súc tích hơn nhưng vẫn cần đảm bảo tính khái quát cao.
Trong Chương I, đa số các ý kiến tham gia vào Điều 4 và Điều 9. Tại Khoản 3, Điều 9, một số ý kiến đề nghị nêu tên gọi của các tổ chức chính trị- xã hội trong Hiến pháp; có ý kiến cho rằng, cần bổ sung tên tác giả của bài “Tiến quân ca” vào Khoản 3, Điều 14 để không nhầm lẫn tác giả. Trong Chương II về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đông đảo nhân dân chú ý và tích cực tham gia góp ý. Có hơn 2.527 ý kiến tham gia, tập trung vào Điều 16 và Điều 21. Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm vào tên chương là “Quyền và nghĩa vụ của con người”; tại khoản 2, Điều 39 nên thay cụm từ “Bảo hộ…” thành “Bảo vệ…”. Chương III, phần quy định về kinh tế chính trị (Điều 54) có ý kiến đề nghị nêu cụ thể tên và vai trò của các thành phần kinh tế để làm rõ hơn tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà chúng ta đang xây dựng; tại Khoản 3, Điều 57, có ý kiến đề nghị bổ sung “cụ thể hơn” vì thực tế trong những năm qua việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế có nhiều bất cập, đặc biệt là phương tiện để bảo vệ quỹ đất nông nghiệp, lâm nghiệp và làm gia tăng khiếu kiện của công dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, xã hội.
Quy định về Tòa án nhân dân, Viện kiểm soát nhân dân quy định tại chương VIII có 2.537 ý kiến tham gia góp ý. Tại khoản 2, Điều 107 cần bổ sung thêm nhiệm vụ bảo vệ pháp chế XHCN của Tòa án nhân dân, nên sửa lại là: “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của nhà nước…”. Ngoài ra cần làm rõ hơn khái niệm “Tòa án đặc biệt” có nằm trong Tòa án nhân dân hay không. Nên bỏ cụm từ “trừ trường hợp do luật định” tại khoản 4 Điều 108 để đảm bảo nguyên tắc tập thể và tuân theo pháp luật của hội đồng xét xử. Điều 107 và 109 chưa phù hợp. Khoản 3, Điều 110 của Dự thảo quy định “Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của thẩm phán, việc bầu và nhiệm kỳ của Hội thẩm Tòa án nhân dân do luật quy định” nên sửa thành “ Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Thẩm phán, việc bầu và nhiệm kỳ của Hội thẩm do luật định” để đảm bảo tính thống nhất với Điều 108…
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, đến nay, huyện Bình Xuyên đã cơ bản hoàn thành việc góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 và đang hoàn thiện văn bản tổng kết gửi lên cấp trên.
Kim Ngân
(--- Báo Vĩnh Phúc ---)